MỤC  LỤC  Tháng  5, 2007

Thông Báo Hội Ngộ
Thiệp Mời Hội Ngộ

Thơ Văn Trung Thu

bullet Trầu Cau
bullet Quê Nội Thời Thơ Ấu
bullet Nhớ Thầy
bullet Bạn Xưa - Nhớ Tháng Tư
bullet Nỗi Niềm
bullet Hữu Duyên Thiên Lý ...
bullet Thơ Tiếp Lời
Càn Khôn Thập Linh
Các Links Sưu Tầm

Khi tôi còn nhỏ và cho đến tận bây giờ,chúng tôi không biết gì về ông bà ngoại. Theo lời má tôi kể thì ông bà ngoại đã mất lâu lắm rồi, vì vậy tôi rất buồn khi thấy bạn bè, những người chung quanh tôi được có ông bà ngoại. Đọc trong thơ văn, âm nhạc, hay trên sân khấu hầu hết người ta hay dựng hình ảnh bà ngoại để biểu hiện cho tình thương yêu nhiều hơn là bà nội. Phải chăng vì bà ngoại là mẹ của mẹ, nên chúng ta cảm thấy gần gũi hơn?  Riêng chị em tôi từ khi bắt đầu có trí khôn thì chúng tôi chỉ biết mình có ông bà nội mà thôi

Quê nội! Hai chữ này nó bao hàm trong đó tất cả "thiên đường tuổi thơ" đối với tôi.  Trong đó có ngôi nhà ngói ba gian lớn là nơi thờ cúng tổ tiên, nhà ngang, buồng ngủ, nhà phụ, nhà bếp, kho chứa cũi, một hàng dài những lu, khạp đựng nước dọc theo mái hiên nhà bếp..., và rất nhiều những đồ vật linh tinh thường thấy ở thôn quê.

 
 

Quê nội là ruộng lúa bao la sau hè, là hàng rào "duối" cao ngất khuất đầu người bao bọc một khoảng sân rộng để dùng phơi lúa.  Quê nội, là những giồng khoai, bắp, bí, bầu quanh năm, là những hàng cây sua đũa cao lêu nghêu đến mùa ra bông trắng hái về nấu canh chua.  Quê nội là những bụi tre rậm rì kêu ken két mỗi khi gió mạnh thổi qua làm cho chúng tôi có cảm giác sợ hãi khi đêm về.  Quê nội với hàng dừa mọc ven bờ ruộng, là những cây vú sữa đơm đầy trái khi trời bước vào tháng Chạp âm lịch, là những cây mãng cầu với những bầy kiến vàng dữ tợn sẳn sàng "tấn công" vào mắt mũi nếu chúng tôi không để ý vì lòng háo hức leo trèo...

Quê nội tôi với những ao đìa đầy tôm cá mỗi khi người ta cần phải tát nước ra để bắt cá và tôm dùng cho những ngày giỗ chạp ...  Quê nội còn rất nhiều, rất nhiều thứ nữa.  Có thể những hình ảnh hay những sinh hoat nơi thôn quê này rất là bình thường đối với mọi người, nhưng tất cả những cái đó lại vô cùng trìu mến, thân thiết đối với tôi.

Cứ gần đến Tết, chúng tôi thường được ba má cho về quê nội.  Chỉ cần nghe được hai chữ "về Nội" là chị em tôi sung sướng không tả nỗi.  Có khi chúng tôi còn được về nội trong ba tháng hè nữa!!  Những năm tháng xa xưa đó, đất nước chưa yên bình, có khi nửa đêm đang ngủ, chúng tôi bị đánh thức, và bà nội ra lệnh tất cả phải chui xuống hầm để tránh nguy hiểm..., nhưng tuổi thơ mà, xong rồi thì quên hết, quên luôn nỗi sợ hãi vừa trải qua...

Những ngày cận Tết, nhà nội tôi mở toang cửa nẻo, người người lau chùi bàn ghế, bàn thờ, đánh bóng lư hương. Khoảng sân rộng được quét sạch lá khô...  Tất cả phải được sạch sẽ để đón Tết và để đón Ông bà.  Ai làm thì làm, chúng tôi chỉ biết vui đùa hay thích thú đứng nhìn mọi người làm việc.

QUÊ NỘI - đó là một "quê hương nhỏ" trong quê hương lớn của tôi.  Nơi đó, tôi có ông nội với cặp chân mày bạc trắng và rậm.  Ông nội rất ít nói.  Cứ mỗi buổi chiều, ông hay ngồi bên chiếc bàn uống trà một mình, mắt nhìn ra ngoài xa kia nơi có những giồng khoai, luống đậu, nhưng hình như ông không ghi nhận những hình ảnh ấy mà chỉ nhớ về hai người con trai của ông đã lâu lắm rồi ông chưa gặp lại vì họ còn đang bận bịu bởi trách nhiệm của nam nhi.  Ông ngồi trầm ngâm, lâu lâu ông lại đưa tay vấn một điếu thuốc, châm lửa, uống một ngụm trà ...  Cho đến khi trời sụp tối, những ngọn đèn dầu được thắp lên ánh sáng lung linh rọi bóng ông lên vách gỗ, ông mới chậm rãi đứng dậy đi đến từng bàn thờ thắp hương rồi ông đi nằm nghỉ.  Cứ dăm ba hôm thì ông nội ngồi uống trà trò chuyện với ông Hai hàng xóm.  Ông Hai già hơn ông nội tôi một chút.  Tôi nhớ hồi đó tôi nghe mọi người nói chuyện với nhau rằng : trong nhà ông bà Hai đã để sẵn hai cái hòm (một dành cho ông và một dành cho bà), tôi nghe mà thấy rờn rợn.  Rồi một hôm, bà nội sai tôi sang nhà bà Hai để lấy về cho nội tôi một ít đậu xanh - lúc ấy tôi quên mất câu chuyện về "cái hòm".  Khi tôi theo chân bà Hai bước vào một gian buồng với ánh sáng mờ mờ, tôi đã suýt hét lên và bỏ chạy khi thấy bà Hai mở nấp hòm lên và lấy gói đậu xanh từ trong đó đưa cho tôi.  Tôi không còn nhớ sau đó tôi ra sao, tôi chỉ nhớ mơ hồ là tôi sợ luôn cả bọc đậu xanh đang cầm trên tay, và bà nội tôi đã cười khi thấy tôi có vẻ sợ sệt nói với bà: "Nội ơi! cái này bà Hai để trong cái hòm đó nội!"  Đó là một kỷ niệm mà tôi nhớ nhiều nhất khi còn nhỏ.

Những cánh đồng lúa chín bao la sau hè nhà nội tôi được gặt về, đạp bằng bò hoặc bằng trâu.  Người ta trãi những nhánh lúa vàng nặng hột thành một khoảng rất rộng trước sân nhà, rồi dắt trâu đi vòng vòng lên đó.  Sức nặng của trâu làm cho những hạt lúa rơi ra.  Sau đó phơi lúa cho khô và ví vào bồ.  Tất cả những công việc này phải hoàn tất trước Tết.  Đây cũng là lúc mà chúng tôi đươc dịp đi bắt "ốc hút".  Khi nước lớn lên cao, những con ốc "hút" (ốc leng) bò lên cao và bám vào những ngọn rạ, chúng bám đầy trên đó và chúng tôi thì chỉ lội nước đến gở chúng xuống rồi bỏ vào chiếc thùng thiếc mang theo.  Niềm vui sướng, lòng háo hức cứ thúc giục chúng tôi tiến tới cho đến khi nước lớn đã gần lên đến ngực, gió lạnh thấm vào da thịt thì lúc đó chúng tôi mới chịu ngưng lai.  Quê nội với những cây rơm cao vút đã được người ta vun lên sau khi đã đạp hết lúa.  Đây là nơi vô cùng thích thú cho bọn trẻ nô đùa chạy nhảy, lăn lộn trên đó, mặc kệ đầu tóc, quần áo dính đầy rơm rạ, mặc kệ ngày nào cũng bị mẹ mắng và hối thúc đi tắm gội để tránh bị ngứa bởi bụi bậm và những vết trầy xướt bởi rơm rạ mà ra...

Quê nội với bà nội "khó mà dễ".  Bà nội tôi vóc dáng vừa tầm, da bà rất trắng.  Trên gương mặt già nua của bà vẫn còn thấy nét đẹp ẩn dấu, mũi cao và đôi mắt mờ đuc vẫn còn to và sâu.  Bà nội tôi nấu ăn rất khéo và ngon.  Dịp Tết hay vào những ngày có giỗ, bà nội luôn luôn là người "chỉ huy" cho các đầu bếp nấu nướng.  Bà tuy già nhưng rất nhanh nhen.  Tôi còn nhớ mỗi buổi sáng hay theo bà nội đi chợ.  Ngôi chợ làng cách nhà nội khoảng 1 cây số, đường đi thì quanh co, qua các đường trong xóm, tôi không bao giờ bước kịp theo bà, tay tôi nắm tay bà nhưng chân thì phải chạy theo mới kịp. Khi đến chợ hai chân tôi mõi nhừ, vậy mà bà nội tôi vẫn nhanh nhẹn đi mua thức ăn.  Thuở ấy tôi còn nhỏ nhưng tôi cũng đã có lần nghe các cô, các chú thím của tôi nói chuyện rằng bà nội tôi ra lệnh không người nào được đánh cháu nội hay cháu ngoại trước mặt bà.  Cũng vì mệnh lệnh này mà đã có lần tôi chứng kiến người thím của tôi vì không kềm chế được sự tức giận của đứa con nghịch phá, nhưng vì sợ bà nội tôi nên thím tôi đã len lén kéo con của thím ra sau hè để trút cơn giận, nhưng một tay thím đánh vào mông nó, và tay kia thì bịt miệng đứa nhỏ để không cho nó khóc.  Cũng may là bà nội tôi không hay biết (vì đám giỗ quá bận rộn.)  Như thế đủ biết uy quyền của bà nội tôi ra sao.

Sáng ngày mồng một Tết, các cháu nội ngoại đều mặc quần áo mới, đứng trước mặt ông bà Nội (Ngoại) để mừng tuổi ông bà.  Miệng thì nói câu mừng tuổi như "con két", nhưng đứa nào cũng nhìn chăm chăm vào cái phong bao đỏ trên tay ông bà với hy vọng mình được nhiều tiền "lì xì" hơn đứa kia!  Ông nội tôi mặc áo dài khăn đống, và trong những ngày Tết ông nội thường đi với các ông trong xã để ra đình làng cúng kiến hay đi thăm viếng họ hàng...

Đó là những ngày Tết thời tuổi nhỏ của tôi....

...Theo thời gian, chị em tôi lớn lên, những dịp về quê nội không còn đều đặn nữa vì bởi việc học, việc làm, sinh kế, thời cuộc... Những người già lần lượt qua đời.  Chiều xuống, ông nội tôi vẫn ngồi uống từng chén trà nóng bên chiếc bàn quen thuộc, mắt ông cũng hướng về nơi xa xăm nào đó, có lẽ ông cũng vẫn nghĩ về hai người con của ông xa quê đã lâu, và cũng có lẽ ông đang trông ngóng tiếng gậy nhịp nhẹ nhàng của ông Hai - người bạn già thường đến uống trà cùng ông trong buổi chiều tà... mà vì tuổi già làm ông quên lãng trong chốc lát rằng ông Hai đã từ giã ông ra đi rồi...

Ngày ông nội tôi mất, trên nắp áo quan có hai vành khăn tang dành cho hai người con trai của ông không về được - đó là cha tôi và chú út của tôi.  Quê nội tôi từ khi ông nội mất đã trở nên trống vắng phần nào.  Những cây vú sữa không còn nhiều trái nữa.  Những gốc mãng cầu có hoa nở rồi tàn, không kết trái nhiều như mọi năm...  Người ta nói rằng vì khi ông nội mất, không ai nhớ để cột khăn tang cho những cây này nên chúng tàn theo.  Điều này tôi không biết có đúng không, nhưng sau đó không bao lâu những cây ăn trái chung quanh nhà nội lần lượt tàn theo và cuối cùng đành phải đốn bỏ.  Mỗi khi chiều tối không còn nghe tiếng lê đôi dép sèn xẹt của ông nội nữa.  Chiếc bàn với bình trà còn đó, nhưng ông nội thì đã nằm yên bên cạnh ông bà cố ở mẫu vườn trước nhà.  Chỉ còn bà nội với chiếc lưng đã còng, đi đi lại lại từ trước ra sau như một chiếc bóng âm thầm, quạnh quẽ...

Khi chúng tôi trưởng thành thì bà nội đã già lắm rồi, lưng còng hơn, đôi mắt đã mờ hơn. Khi có dịp là bà nội hay kể lại những kỷ niệm xưa, rồi dặn dò con cái chuyện lớn, chuyện nhỏ.  Bà hay nói đi, nói lại như chưa nói lần nào những lời đã nói trước đó không bao lâu.  Tôi thương bà nội tôi biết chừng nào.  Tôi thương sự cô đơn của người già khi biết thời gian của mình không còn nhiều nữa đã gói ghém kinh nghiệm còn nhớ được, còn giữ được để gởi lại cho đàn con, đàn cháu mai sau.

Ngày bà nội tôi mất cũng vẫn không có mặt những người con mà ông bà nội tôi thương nhớ và mong đợi, vì biến cố lớn lao quá nên không thể nào về được để khóc và nhìn mặt lần cuối ngưòi mẹ già đã hy sinh cả đời cho các con, các chau...   Đó là bà nội của tôi!!

QUÊ NỘI! những hình ảnh ngày xưa còn bé ấy mãi mãi nguyên vẹn trong tâm tư, tình cảm của tôi cho dù bây giờ quê nội đã không còn như xưa nữa.   QUÊ NỘI! hai tiếng ấy gắn liền với hình ảnh Ông Bà nội, với đồng ruộng lúa, với lũy tre xanh mãi mãi vẫn là "thiên đường thời thơ ấu" không bao giờ phai nhạt trong tôi!!

H. D.